Âm nhạc dân tộc luôn là mạch nguồn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo để làm nên những giá trị mới cho đời sống âm nhạc. Trong vài năm trở lại đây, làng giải trí Việt phát triển rất sôi động nhờ sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí. Thế nhưng, có một nghịch lý khiến nhiều người suy ngẫm đó là các loại nhạc cụ truyền thống như: Đàn bầu, đàn nhị, đàn tranh, sáo mèo [1]… dù được sử dụng ở nhiều loại hình âm nhạc dân tộc, nhưng chưa thật sự có sức hút đối với người trẻ.
- Nghệ thuật truyền thống trong cuộc sống hiện nay
Hiện nay, người thích nghe nhạc cụ truyền thống không nhiều và rầm rộ như ngày xưa. Bên cạnh đó, trên truyền hình hay sân khấu lớn các dòng nhạc như pop, rock,… phát triển rất mạnh. Vì thế, nhạc dân tộc hiện nay gần như rất ít được trình diễn. Ngay cả trên sóng truyền hình, các chương trình dành cho các nhạc công biểu diễn nhạc cụ dân tộc cũng rất ít.
Tuy nhiên nếu nói các bạn trẻ không quan tâm đến nhạc cụ truyền thống thì chưa hẳn đã đúng. Thực chất, thời gian gần đây, rất nhiều cá nhân hoặc nhóm bạn trẻ đã có sự quan tâm tìm hiểu đối với nhạc cụ dân tộc nhiều hơn. Nhạc cụ truyền thống bị lãng quên, bởi một phần không có sân khấu để biểu diễn, các bạn trẻ cũng không có cơ hội được tiếp cận nhiều.
- Bảo tồn nghệ thuật dân gian
Nhiều người cho rằng âm nhạc truyền thống cần được bảo tồn, tránh sự pha tạp, lai căng. Tuy nhiên một số ý kiến lại cho rằng cách bảo tồn tốt nhất là đưa âm nhạc truyền thống hòa quyện được vào dòng chảy âm nhạc hiện đại, để người trẻ dễ dàng đón nhận hơn. Nếu không, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi thì giới trẻ sẽ chỉ có thể biết tới âm nhạc truyền thống qua sách vở.
Người trẻ luôn luôn ưa thích và dễ dàng đón nhận cái mới. Chính vì vậy mà sự phối hợp giữa nhạc cụ dân tộc và nhạc hiện đại để tác phẩm trình diễn gần gũi hơn với công chúng thì họ sẽ dễ dàng tiếp cận hơn.
Trước làn sóng “trẻ hóa” nhạc cụ dân tộc, một số người lo ngại chất truyền thống sẽ mất dần. Tuy nhiên, nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng “Cá tính, bản lĩnh của mỗi nghệ sĩ mỗi khác. Với những người có chuyên môn và bản lĩnh cao, họ sẽ phát triển cái gốc lên thêm chứ không thể làm mất đi. Vì vậy, không cần lo lắng nhạc cụ dân tộc “trẻ hóa” sẽ mất đi nét truyền thống. Điều quan trọng hiện nay vẫn là mang chúng đến gần hơn với khán giả, để họ yêu thích, góp phần lưu giữ”
Vậy nên, muốn để giới trẻ có hứng thú với nhạc cụ dân tộc, chúng ta cần phải có sân khấu biểu diễn cho các nhạc công, các nghệ sĩ trẻ và cần quảng bá nhạc cụ truyền thống rộng rãi hơn nữa. Bên cạnh đó, khuyến khích giới trẻ tìm hiểu về nhạc cụ dân tộc, đưa nhạc cụ dân tộc vào trong sáng tác những tác phẩm đương đại, để tạo nên màu sắc mới, độc đáo nhưng vẫn mang hồn dân tộc. Đây chính là cách để âm nhạc dân tộc được bảo tồn và song hành cùng dòng chảy âm nhạc trong cuộc sống hôm nay.
Tóm lại, dù không thực sự phổ biến, nhưng nhạc cụ truyền thống vẫn có một chỗ đứng riêng, vẫn là món ăn tinh thần của nhiều người. Bởi, các loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh, sáo… vẫn được coi là một phần không thể thiếu của văn hóa Việt. Các bạn trẻ hãy một lần tìm hiểu về nhạc cụ truyền thống, chắc chắn sẽ thấy nó không hề khó nghe và già nua.
> Xem thêm: