Bất cứ dân tộc nào cũng có những làn điệu, câu ca và những loại nhạc cụ riêng mang đậm tinh thần dân tộc. Nghiên cứu nhạc cụ dân tộc chúng ta có thể thấy được hình ảnh đất nước, con người của một quốc gia trải qua hàng ngàn nǎm lịch sử. Nếu Triều Tiên có đàn 12 dây Ajaeng, Ai Cập nổi tiếng với những chiếc trống Bendir khỏe khoắn, Ireland có Kèn túi,… thì Việt Nam lại được biết đến và yêu mến với âm thanh réo rắt của Đàn bầu, trong trẻo của sáo trúc, hay đậm đà tính dân tộc của Đàn môi. Ngay bây giờ, hãy cùng điểm qua những loại nhạc cụ lâu đời nhất ở đất nước mình nhé!
1. Sáo trúc
Sáo trúc có lẽ là loại nhạc cụ lâu đời nhất trong các loại nhạc cụ dân gian Việt Nam. Bắt đầu từ những thân tre mảnh mai trong vườn nhà, tiếng sáo thanh bình, ngọt ngào và đầy ắp tâm hồn Việt Nam ấy đã và đang sống cùng chúng ta từ mái tranh nghèo cho tới những căn phòng máy lạnh nơi thành thị.
Thân sáo chỉ là một khúc trúc hay nứa có chiều dài từ 40 tới 55 cm. Ở đầu ống có một lỗ hình bầu dục là lỗ thổi. Thẳng hàng với lỗ thổi là 6 lỗ bấm, chỉ có vậy mà khi thổi lên nó làm mê mẩn bao người.
Sáo đơn giản như vậy nhưng thật ra muốn thổi cho tới trình độ thu hút tâm hồn người khác thì không hề đơn giản chút nào. Học từ những ngày đầu trên lưng trâu như những chú mục đồng thì chỉ vài hôm là xong nhưng để viên mãn với sáo thì có thể suốt cả cuộc đời người nghệ sĩ. Sáo cũng như các bộ môn nghệ thuật khác phải để hồn vào với nó như mẹ ấp ủ cho con để từ đó nghe rõ từng âm sắc bỗng trầm, dài ngắn, khi thiết tha lúc hạnh phúc hay bất chợt đớn đau. Có lẽ vì vậy mà kẻ chơi sáo thì nhiều nhưng cho tới bây giờ, nổi tiếng và tên tuổi gắn liền với cây sáo trúc [1] lại không có mấy người.
2. Đàn bầu
Trong các ban nhạc biểu diễn âm nhạc dân tộc, đàn bầu là một nhạc cụ không thể thiếu. Đàn bầu hay còn gọi là Độc huyền cầm, là một nhạc cụ độc đáo của người Việt Nam. Đây là loại đàn một dây của người Việt, gảy bằng que hoặc miếng gảy.
Đàn bầu có hai loại là đàn thân tre và đàn hộp gỗ. Đàn được làm từ ½ quả bầu nậm, dây đàn kéo dài từ đầu đàn đến suốt thân đàn, có lẽ cũng chính vì vậy mà cái tên giản dị “đàn bầu” ra đời. “Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha” – âm thanh của loại đàn này vô cùng ngọt ngào và sâu lắng, có thể ví tiếng đàn như tiếng hát của một người phụ nữ đằm thắm, ngọt ngào.
Đàn bầu dù ngày nay có khá nhiều biến thể và cải tiến để hợp với việc biểu diễn, tuy nhiên chiếc đàn một dây nguyên thủy có lẽ vẫn luôn luôn là hình ảnh đẹp trong kí ức của nhiều người.
3. Đàn môi
Nếu có một loại nhạc cụ đơn giản nhất của người Việt thì đó có lẽ là đàn môi với cấu tạo chỉ đơn giản là một miếng đồng dát mỏng hoặc một mảnh tre vót mỏng tạo dáng chiếc lá tre.
Đây là loại nhạc cụ độc đáo và phổ biến trong các cộng đồng dân tộc Việt Nam với tên gọi là đàn môi hoặc khèn môi tùy quan niệm của người gọi. Đàn môi thường được dùng trong sinh hoạt giao duyên tỏ tình của người dân tộc thiểu số, nam hay nữ đều dùng được. Họ tấu lên những bản tình ca mà ai cũng thuộc nên người nghe ngầm hiểu ý người sử dụng nhạc cụ.
Trên đây là ba loại nhạc cụ lâu đời và đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Nếu bạn biết thêm về loại nhạc cụ dân tộc nào đó, đừng ngại ngần chia sẻ với chúng tôi nhé. Bởi giữ gìn nét đẹp của nhạc cụ dân tộc cũng chính là giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Xem thêm:
> Giới trẻ và nghệ thuật truyền thống trong dòng chảy hiện đại